Có cách giữ bình tĩnh trước những tình huống quan trọng hay không?
Câu hỏi này không chỉ là vấn đề của học sinh – sinh viên khi đối diện trước những kì thi. Nó còn là vấn đề người lớn thường xuyên gặp phải.
Khi cần phát biểu thì ta nói lắp. Khi cần thuyết trình thì ta quên hết sạch.
Nhân dịp đọc được những thông tin hay, mình gom góp lại thành bài viết hoàn chỉnh sau đây.
Hiện tượng này là gì?
Con người thường mắc sai lầm trước những thời khắc quan trọng, nhất là trong thể thao.
Cú đánh quyết định khi chơi golf hay là quả sút phạt đền trong bóng đá là hai ví dụ điển hình.
Hiên tượng này tiếng Anh gọi là Choking Phenomemon.
Choke có nghĩa là bị nghẹn lại, không thể thở được. Cụm từ này dịch nôm na là tình trạng bị khó thở khi gặp áp lực.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến vấn đền này.
Sự sao nhãng (Distraction Theory)
Nghiên cứu năm 2004 của một trường đại học thực hiện trên 2 nhóm sinh viên.
Nhóm đầu tiên sẽ giải các câu hỏi Toán học từ dễ đến khó. Hầu như các sinh viên không gặp khó khăn gì.
Nhóm thứ 2 sẽ vừa làm Toán vừa chịu một số áp lực nhất định.
Kết quả là họ này đã chật vật để trả lời những câu hỏi được giao.
Não bộ chúng ta sẽ khó có thể tập trung vào nhiệm vụ chính khi nó còn đang bận lo lắng, nghi ngờ hay sợ hãi.
Nó cũng không thể xử lý tốt nhiều vấn đề cùng một lúc.
Đặc biệt hơn, những nhiệm vụ đòi hỏi trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đây cũng là lý do vì sao những khi cần thực hiện lại thao tác dựa vào trí nhớ, chúng ta dễ rơi vào tình trạng “trống rỗng”. Ta không nhớ bất kì điều khi đã chuẩn bị từ trước.
Hơn nữa, nếu như ta biết có rất nhiều người đang nhìn vào, ta sẽ cảm thấy mình đang bị phán xét.
Bất kì hành động nào của ta cũng có thể trở thành tâm điểm của sự chỉ trích.
Chính nỗi sợ này đã vô tình tạo ra áp lực và làm ta mất bình tĩnh hơn.
Quá chú ý vào cách thực hiện (Explicit Monitoring Theory)
Có khi nào bạn rơi vào tình huống: làm chơi ăn thật mà làm đàng hoàng thì toàn trật lất hay không?
Đây chính là lý do cho chuyện đó.
Áp lực làm cho chúng ta tập trung vào cách thực hiện một hành động hơn là việc thực hiện hành động đó.
Khi cần đá bóng vào khung thành, nếu như cầu thủ tập trung vào quả bóng và khung thành phía trước thì khả năng thành công sẽ cao hơn khi họ tập trung vào cách đặt chân hay cách chạy đà.
Hiện tượng này hoàn toàn có thể tránh khỏi bằng 3 cách giữ bình tĩnh sau đây:
Cách giữ bình tĩnh số 1 – Luyện tập dưới áp lực
Thay vì để áp lực xuất hiện và áp đảo chúng ta, chi bằng chúng ta chủ động tạo ra áp lực và luyện tập dưới điều kiện đó.
Đây cũng là mục đích của những kì thi thử, những buổi tập thuyết trình và những buổi thi đấu thử.
Một khi đã quen với áp lực thì trong những thời khắc quan trọng, chúng ta không dễ bị ảnh hưởng nữa.
Hồi xưa, cứ mỗi khi đến kì kiểm tra là mình hay bị lúng túng, nhất là kiểm tra Toán. Mình toàn tính sai những câu đơn giản mà không hiểu vì sao.
Thế là, mình quyết định đăng ký đi thi thử những khi có cơ hội. Thậm chí lúc ở nhà, mình cũng tập làm bài dưới áp lực thời gian.
Nhờ nhiều lần bị run khi thi thử, mà kì thi tuyển sinh lớp 10 hay thi đại học, mình thản nhiên như không chứ không đổ mồ hôi hột như trước nữa.
Cách giữ bình tĩnh số 2 – Hình thành những nghi thức trước khi “ra trận”
Nếu xem những chương trình ca nhạc, đến đoạn sau sân khấu, ta có thể bắt gặp cảnh ca sĩ hay diễn viên làm gì đó. Có khi họ đang nhảy một đoạn ngắn hoặc làm một số động tác kì lạ, một mình.
Đó được gọi là những nghi thức – rituals – một cách để họ giữ bình tĩnh.
Áp dụng cách này, chúng ta có thể nói những cụm từ hoặc câu ngắn.
Mình thì thường nghiêng đầu sang hai bên và thở phù một cái trước khi ra trận.
Cách giữ bình tĩnh số 3 – Tập trung vào sự kiện
Quá chú tâm vào nỗi sợ hãi và dò xét từng hành động của chính mình là cách nhanh nhất dẫn đến thất bại.
Hãy tập trung vào sự kiện đang diễn ra – không phải bản thân ta.
Khi phải thuyết trình hay phát biểu trước công chúng, hãy tập trung vào diễn biến.
Đừng quá chú tâm vào việc giọng mình có ổn chưa, phát âm chỗ này đúng chưa, nhấn nhá như thế nào.
Hãy nói những gì bạn đã chuẩn bị và để mọi chuyện diễn ra thật tự nhiên.
Mọi người có thử cách giữ bình tĩnh nào khác không?
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Nhà của Di.
Những bài viết liên quan có thể bạn sẽ thích:
#8 Niềm tin không đến từ bên ngoài
Muốn học giỏi phải làm sao? Áp dụng cho mọi lĩnh vực – Phần 1
Muốn học giỏi phải làm sao? Áp dụng cho mọi lĩnh vực – Phần 2
Một bài viết rất hay! Nhờ đó mà mình nhận thấy mình đã đi đúng hướng để giữ bình tĩnh và kiểm soát căng thẳng của mình.
Với cách số 2, mình hay nghe những bài hát khiến mình thật hyped để boost thêm tự tin. Mình cũng diện cái áo thun, quần jeans, nón mà mình yêu thích để giữ tâm trạng thật vui vẻ.
Và quan trọng hơn hết là phải nỗ lực trước đó. Có như vậy, mọi cố gắng sẽ được đền đáp, không chỉ riêng gì việc giữ bình tĩnh! ?
Còn với cách số 3, mình hoàn toàn đồng ý. Thay vì tốn năng lượng lo lắng thì nên dồn năng lượng ấy để tập trung vào công việc cần hoàn thành! Nhờ vậy mà mình phát hiện mình có khả năng tập trung rất tốt! ?